Xuất khẩu cao su: Không dễ loại bỏ tiểu ngạch
(InfoTV) - Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mủ cao su lớn nhất của Việt Nam, với sản lượng khoảng 43.400 tấn, trị giá 109,3 triệu USD, chiếm thị phần 62%.
Tổng cục Hải quan vừa công bố sản lượng cao su xuất sang thị trường Trung Quốc quý 1/2012 đạt 69,822 tấn. Giá xuất bình quân đạt thấp, chỉ khoảng 2.746 USD/tấn, giảm 8,8% so với tháng 12.2011. Còn nếu so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su tháng 1 năm nay giảm 7,9% về lượng, 42,6% về trị giá và 37,6% về đơn giá. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mủ cao su lớn nhất của Việt Nam, với sản lượng khoảng 43.400 tấn, trị giá 109,3 triệu USD, chiếm thị phần 62%.
Ông Đinh Vạn Tiến, trưởng ban xuất nhập khẩu tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) khẳng định: “Xuất khẩu cao su các tháng đầu năm 2012 sang Trung Quốc nói riêng, các thị trường khác nói chung đang khởi sắc khi nhu cầu và giá tăng khá mạnh”. Hiện nay, theo ông Tiến, việc bán mủ cao su sang Trung Quốc tuy vẫn chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng sản lượng, nhưng doanh nghiệp đã biết tìm ra nhiều phương thức giao dịch và xuất qua nhiều đường khác nhau chứ không chỉ phụ thuộc vào tiểu ngạch như trước.
Theo ông Đinh Vạn Tiến, đối với các nhà máy lớn có lợi thế vốn, công nghệ chế biến mủ đạt tiêu chuẩn quốc tế, thường chọn xuất chính ngạch đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc. Kể cả nhiều nhà máy công nghiệp uy tín ở Trung Quốc cũng chọn con đường nhập cao su chính ngạch của một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam để có được loại hàng chất lượng tốt. Xuất khẩu chính ngạch là cách làm ăn bài bản, phương thức thanh toán đảm bảo cho người bán, ít bị rủi ro về thị trường...
Bà Trần Thị Thuý Hoa, tổng thư ký hiệp hội Cao su Việt Nam, cũng cho rằng mặc dù xuất khẩu cao su bằng đường tiểu ngạch đang gặp khó, nhưng một tín hiệu đáng mừng đó là ngay trong những ngày đầu năm này, nhiều hội viên đã thông báo tìm được cách tiếp cận thị trường Trung Quốc bằng xuất chính ngạch.
Năm 2011, trong tổng số 208 doanh nghiệp xuất khẩu cao su, vẫn có đến 165 doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất tiểu ngạch.
Ông Huỳnh Tấn Siêu, trưởng phòng kế hoạch đầu tư công ty TNHH MTV cao su Bình Long cũng cho biết thời điểm này, doanh nghiệp đang tập trung giao hàng theo hợp đồng dài hạn chứ chưa có nhu cầu đưa cao su xuất tiểu ngạch ra cửa khẩu Lục Lầm. “Các thủ tục mua bán ở cửa khẩu với thương nhân Trung Quốc tuy đơn giản, nhưng doanh nghiệp thường bị động vì các chính sách thương mại tại đây thiếu ổn định nên tôi nghĩ giao dịch bằng đường này không còn hấp dẫn nữa. Doanh nghiệp phải phân bổ thị trường hợp lý cho an toàn”, ông Siêu phân tích.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang áp thuế nhập khẩu cao su chính ngạch ở mức 25% (tiểu ngạch 0%). Phương thức mua bán mậu biên mà doanh nghiệp Việt Nam đánh giá “không còn hấp dẫn” thì với thương nhân Trung Quốc, việc phải chịu mức thuế quá cao nên vẫn khiến họ thích lựa chọn. Theo ông Lê Văn Xướng, trưởng đại diện văn phòng công ty TNHH MTV cao su Bình Long, phía Trung Quốc chỉ kiểm soát nghiêm ngặt được một thời gian, còn đâu lại vào đấy. Cao su vẫn ùn ùn chở ra, bao nhiêu cũng bán hết, tốt có giá tốt, xấu có giá xấu. Do vậy, trước mắt, các nhà máy chế biến mủ tư nhân ít quan tâm đến đổi mới công nghệ, nâng chất lượng vẫn tồn tại được, bởi hàng họ sản xuất ra bao nhiêu, trước sau cũng bán được hết bằng đường tiểu ngạch.